Cấp dưỡng là gì ? Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng ? Luật sư Văn Minh giải đáp

Ngày đăng: 06/11/2021 03:53 PM

    1. Quy định luật hôn nhân trước đây về cấp dưỡng

    Đối với quan hệ giữa cha, mẹ và con, giữa ông bà và cháu thì phát sinh quan hệ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lí, trong thực tế đời sống cũng như trong việc áp dụng pháp luật, thuật ngữ “cấp dưỡng" vẫn được sử dụng trong một số trường hợp khác, chẳng hạn khi vợ chồng li hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; khi vợ chồng không cùng sống chung mà một bên ốm đau, bệnh tật không có khả năng lao động, thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng... Đồng thời, trong thực tế đời sống, trong nghiên cứu khoa học và trong áp dụng pháp luật đôi khi không có sự phân biệt giữa quan hệ cấp dưỡng với quan hệ nuôi dưỡng, ngay cả Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng không có sự phân biệt này. Khi nào người có nghĩa vụ nuôi dưỡng không cùng chung sống với người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng thì mới phát sinh quan hệ cấp dưỡng giữa họ.

     

    Cấp dưỡng là quan hệ tài sản gắn liến với nhân thân của mỗi người nên không thể chuyển giao cho người khác. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó mà không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác.

     

    2. Khái niệm cấp dưỡng theo luật hôn nhân ?

    Cấp dưỡng là việc một người phải đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

    Cấp dưỡng còn là biện pháp chế tài đối với người có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.

    Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột và cháu; giữa vợ và chồng (Điều 107).

     

    3. Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng

    Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình phát sinh khi có các điều kiện sau:

    - Người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng;

    - Người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng không cùng sống chung với nhau hoặc người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;

    - Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên hoặc là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu;

    - Người có nghĩa vụ cấp dưỡng là người đã thành niên, có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

     

    4. Đặc điểm của nghĩa vụ cấp dưỡng

    Nghĩa vụ cấp dưỡng có những đặc điểm sau:

    - Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ về tài sản mang tính chất đặc biệt là không thể được thay thế bằng nghĩa vụ khác.

    Khi người chưa thành niên hoặc người đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình cần được cấp dưỡng thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu, nhằm đảm bảo cuộc sống của họ. Do vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng không thể được thay thế bằng nghĩa vụ khác.

    - Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể chuyển giao cho người khác.

    Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, là nghĩa vụ về tài sản gắn liền với nhân thân mỗi chủ thể mà không thể chuyển giao cho người khác.

    - Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ có đi có lại nhưng không mang tính chất đồng thời và tuyệt đối. Tính chất có đi, có lại thể hiện ở chỗ các chủ thể đều có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau nếu một bên chủ thể rơi vào tình trạng cần được cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng không mang tính chất đồng thời có nghĩa là trong cùng một thời điểm thì chỉ có thể một bên cấp dưỡng cho bên kia, không thể ngược lại là bên kia lại cấp dương cho bên này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không mang tính tuyệt đối bởi nghĩa vụ này không phải luôn xảy ra với các chủ thể mà nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi có những điều kiện nhất định.

    Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình[1] mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống, hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ 2014)[2]. Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con không có bất cứ sự phân biệt nào giữa con đẻ, con nuôi; con có cha mẹ tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc con có cha, mẹ không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình khi không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con[3]. Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tập trung vào sự đóng góp tài sản của cha, mẹ để đảm bảo cho quá trình phát triển và hoàn thiện thể chất, tinh thần của con. Cùng với quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ cấp dưỡng được xem là một trong những quyền và nghĩa vụ tài sản (gắn với nhân thân) quan trọng giữa cha mẹ và con.

    Theo quy định của Luật HNGĐ 2014, quan hệ cấp dưỡng được đặt ra khi người con chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình[4]. Cha mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp không chung sống với con hoặc chung sống cùng con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng[5]. Thông thường, cha, mẹ chung sống cùng con để có điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Tuy vậy, cũng có những trường hợp trẻ chỉ chung sống với cha hoặc với mẹ. Cha mẹ không cùng nhau chung sống với con khi họ đã ly hôn hoặc hai người không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Lúc này, người trực tiếp chung sống cùng con thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, người còn lại (không chung sống với con) phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

    Thực tế cho thấy, cha mẹ có thể không (thường xuyên) cùng chung sống dưới một mái nhà với con, nhưng nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn không được đặt ra nếu giữa họ tồn tại mối quan hệ hôn nhân. Luật HNGĐ 2014 không định nghĩa thế nào là việc cha, mẹ “chung sống” cùng với con hoặc ngược lại. Theo chúng tôi, nếu cha mẹ vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân thì họ cùng có nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái (vấn đề chỉ là cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của mỗi gia đình có thể khác biệt - thực hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp). Việc con không chung sống cùng với cha hoặc mẹ nên được nhìn nhận dưới góc độ pháp lý. Cha, mẹ lúc này thường không có sự ràng buộc trong mối quan hệ nhân thân, tình cảm, họ có chỗ ở riêng biệt và việc phải lựa chọn tại một thời điểm cụ thể chỉ sống với cha hoặc mẹ là điều tất yếu.

    Ngoài ra, quan hệ cấp dưỡng có thể diễn ra ngay cả khi con chung sống cùng cha, mẹ. Trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên là một ví dụ điển hình. Cha, mẹ đã bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con[6]. Lúc này, ngay cả khi đang chung sống với con, bên cha, mẹ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

    Nếu như Luật HNGĐ năm 2000 chỉ quy định cụ thể về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ đối với con khi ly hôn, thì Luật HNGĐ 2014 lại mở rộng các trường hợp phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng. Điều này một mặt đảm bảo quyền lợi của người con (không có sự phân biệt dựa trên tình trạng quan hệ hôn nhân của cha mẹ), một mặt tạo nên sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ giữa bên trực tiếp nuôi dưỡng con và bên không nuôi dưỡng con.

    5. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng

    Thông thường, quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con phát sinh từ thời điểm con được sinh ra. Việc thực hiện quyền và nghĩa vụ không đơn thuần là vấn đề mang tính pháp lý, mà thực chất còn là nhu cầu rất đỗi bản năng của mỗi người. Khi không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con, cha, mẹ sẽ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng để thay thế. Việc cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn thường được thể hiện thông qua bản án, quyết định giải quyết ly hôn. Trong trường hợp này, thời điểm quan hệ cấp dưỡng phát sinh được xác định theo sự thoả thuận của các bên hoặc theo quyết định của Toà án.

    Pháp luật chưa có quy định chi tiết về việc cấp dưỡng cho con khi cha, mẹ sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng. Nếu rơi vào trường hợp cấp dưỡng cho con khi bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên thì quan hệ cấp dưỡng sẽ chính thức đặt ra khi có quyết định hạn chế quyền của Toà án. Thực chất, trong cả hai trường hợp: cấp dưỡng khi ly hôn và cấp dưỡng khi cha, mẹ bị hạn chế quyền đều có sự chuyển hoá giữa quyền nuôi dưỡng sang quyền cấp dưỡng. Dưới góc độ pháp lý, hai khoảng thời gian này được thực hiện tiếp nối nhau mà không có sự gián đoạn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, cũng không ít những trường hợp một bên cha, mẹ hoàn toàn không thực hiện trách nhiệm của mình trong cả việc nuôi dưỡng lẫn cấp dưỡng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của con, mà còn gây khó khăn cho đời sống của người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ. Trong một số vụ việc, một bên đã yêu cầu bên vợ/ chồng còn lại trả chi phí nuôi con trong thời gian họ không chung sống với nhau và một người không thực hiện nghĩa vụ đối với con[7].

    Nếu như đối với cả hai trường hợp kể trên, quan hệ cấp dưỡng phát sinh một cách mặc nhiên trên cơ sở sự tồn tại mối quan hệ cha, mẹ - con, thì quan hệ cấp dưỡng khi cha mẹ không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp lại là một điều khác biệt. Việc cấp dưỡng giữa các chủ thể chỉ có thể diễn ra (dưới góc độ pháp lý) khi có phán quyết của Toà án thừa nhận mối quan hệ cha - con / mẹ - con. Điều này đã đặt ra vấn đề về thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

    Việc đóng góp tài sản để nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng con là những quyền và nghĩa vụ rất đỗi tự nhiên giữa cha mẹ, con. Dù pháp luật không có quy định cụ thể nhưng có thể hiểu rằng, quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con phát sinh từ thời điểm trẻ được sinh ra. Tuy vậy, cũng không ít những trường hợp con được sinh ra một khoảng thời gian rồi mới được xác định cha hoặc mẹ. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng giữa người được xác định là cha, mẹ và con phát sinh kể từ thời điểm trẻ được sinh ra hay từ thời điểm có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận quan hệ cha mẹ con.

    Ví dụ, trong một vụ việc, Toà án đã xác định: “riêng số tiền cấp dưỡng nuôi con từ khi trẻ sinh ra đến nay là 33 tháng (từ 06/11/2007 đến 11/8/2010) bị đơn phải cấp dưỡng một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật để trả một phần các chi phí mà nguyên đơn đã bỏ ra để nuôi con”[8]. Tương tự như vậy, ở một vụ việc khác, Toà án đã ra phán quyết xác định là cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con từ trước thời điểm bản án xác định quan hệ cha, con phát sinh hiệu lực pháp luật[9].

    Có thể thấy hướng giải quyết chung của Toà án trong trường hợp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng là căn cứ theo thời điểm trẻ được sinh ra để xác định thời điểm cấp dưỡng. Phán quyết vì vậy có thể buộc một người cấp dưỡng ngay cả trước khi bản án thừa nhận quan hệ cha mẹ, con phát sinh hiệu lực (quan hệ cấp dưỡng phát sinh từ khi con được sinh ra). Điều này giúp bảo vệ lợi ích của người con và quyền lợi của người trực tiếp nuôi dưỡng con[10].

    Tuy vậy, điều này đặt ra một vấn đề: liệu rằng khi có yêu cầu xác định cha, mẹ cho con khi con đã thành niên, người được xác định có phải thực hiện cấp dưỡng một lần cho toàn bộ thời gian từ khi con sinh ra đến khi con đủ 18 tuổi hay không. Hơn nữa, về bản chất, số tiền này được hiểu là tài sản của con (cấp dưỡng cho con) hay “chi trả một phần chi phí nuôi con”.

    Vấn đề yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đi cùng việc xác định cha, mẹ cho con (trong trường hợp cha mẹ không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp) là điều diễn ra khá phổ biến ở Hoa Kỳ. Pháp luật liên bang cấm áp dụng hiệu lực hồi tố với những trường hợp xác định công nhận cha, mẹ sau khi con được sinh ra. Điều này có nghĩa rằng đương sự không thể yêu cầu người được xác định cha hoặc mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng từ khi con được sinh ra cho đến khi bản án công nhận quan hệ cha, mẹ con có hiệu lực[11]. Điều này được thể hiện khá rõ nét thông qua quy định 45 CFR 303.106 - quy trình cấm hồi tố yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng[12]. Theo đó, việc sửa đổi yêu cầu cấp dưỡng mang tính hồi tố chỉ có thể diễn ra từ ngày bản án xác định nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh hiệu lực[13].

    Chúng tôi cho rằng, không nên buộc bên cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ trước khi có yêu cầu xác định quan hệ cha mẹ, con - cấp dưỡng cho khoảng thời gian diễn ra trong quá khứ. Quan hệ cấp dưỡng được đặt ra nhằm tạo điều kiện và sự hỗ trợ cho trẻ được cấp dưỡng, đồng thời san sẻ gánh nặng về tài chính đối với bên trực tiếp nuôi dưỡng con. Mặc dù quan hệ cấp dưỡng và nuôi dưỡng mặc nhiên phát sinh từ khi con được sinh ra, tuy nhiên, nếu trong vụ việc cụ thể người con vẫn có thể phát triển thể chất và tinh thần mà không cần có sự hỗ trợ này thì việc cấp dưỡng có tính hồi tố không nên được đặt ra. Hơn nữa, với một số phán quyết của toà án như nói trên, chúng ta rất khó xác định được bản chất và mục đích của số tiền “cấp dưỡng” bù đắp cho khoản thời gian chưa được xác định quan hệ cha - con. Số tiền này nên được xác định là tài sản của con hay tài sản hỗ trợ cho bên trực tiếp nuôi con? Nếu việc không được cấp dưỡng gây sự khó khăn trong đời sống, người có quyền và lợi ích bị xâm hại nên có sự chủ động để bảo vệ quyền lợi của mình một cách nhanh chóng, kịp thời. Việc cấp dưỡng mang tính hồi tố cho khoảng thời gian đã diễn ra chỉ nên được áp dụng cho trường hợp bên có quyền lợi liên quan đã nỗ lực (trong khả năng có thể) yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng bên còn lại trốn tránh thực hiện. Đối với những trường hợp còn lại, quan hệ cấp dưỡng chỉ nên đặt ra khi người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết sự việc.

    Trong một số trường hợp đã nêu, người vợ đã yêu cầu chồng “hoàn trả chi phí nuôi con trong thời gian ly thân”[14]. Đây cũng được xem là giải pháp buộc một bên phải thực hiện trách nhiệm với con và bên vợ/chồng còn lại. Đối với những hoàn cảnh khác, khi nam nữ không tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp, giữa họ không có nhiều sự ràng buộc (đặc biệt là khi họ không chung sống với nhau như vợ chồng). Tuy vậy, nếu giữa họ có con chung thì cả hai đều có nghĩa vụ như nhau đối với con. Việc một bên không thực hiện trách nhiệm với con gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ và tạo gánh nặng đối với người còn lại. Theo chúng tôi, không nên đặt ra vấn đề cấp dưỡng cho cả thời gian trước khi một người được xác định tư cách cha/ mẹ. Bản chất của cấp dưỡng là việc cung cấp vật chất để đáp ứng cho những nhu cầu cần thiết, giúp trẻ phát triển một cách ổn định và đầy đủ. Khi thời gian trôi qua nhưng trẻ vẫn có thể phát triển bình thường mà không cần đến khoản tiền cấp dưỡng thì nghĩa vụ này không cần thiết phải đặt ra với khoảng thời gian trong quá khứ. Tuy nhiên, với người trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, việc yêu cầu hoàn trả một phần chi phí nuôi con là điều có thể. Khi đó, khoản tiền này được xác định một cách cụ thể nhằm chi trả cho bên trực tiếp nuôi con (tương ứng với thời gian phải một mình nuôi dưỡng con và được tính toán dựa trên những chi phí thực tế để nuôi con - chi phí này có thể lớn hơn với mức cấp dưỡng mà Toà án tuyên)[15].

    6. Mức cấp dưỡng

    Theo Điều 116 Luật HNGĐ 2014, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc xác định mức cấp dưỡng giữa cha mẹ với con dựa trên hai yếu tố chính: các nhu cầu chính đáng cần được đáp ứng của người con và khả năng tài chính trên thực tế của cha, mẹ.

    Thứ nhất, mức cấp dưỡng được xác định dựa trên nhu cầu thiết yếu của người con được cấp dưỡng. Ngoại trừ những nhu cầu chung mà bất cứ một cá nhân nào cũng cần được đáp ứng để duy trì sự sống (như ăn, mặc, ở), nhu cầu thiết yếu của mỗi người thường được xác định dựa trên độ tuổi. Càng ở độ tuổi phát triển, nhóm nhu cầu thiết yếu càng có xu hướng mở rộng hơn. Chẳng hạn, bên cạnh những nhu cầu cơ bản để duy trì sự sống, người ta bắt đầu hình thành nhu cầu học tập, đi lại, thông tin liên lạc. Cùng với đó, nhu cầu thiết yếu còn được xác định trên hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Có những nhu cầu là cần thiết với người này nhưng với người khác lại không được đặt ra. Ví dụ như với một số người, việc khám, chữa bệnh là vô cùng cần thiết, nhưng cũng có những người gần như không có nhu cầu này trên thực tế. Vì vậy, mặc dù nhu cầu thiết yếu là những yêu cầu cơ bản đối với tất cả mọi người, nhưng việc xác định nhu cầu cụ thể của một người trên thực tế lại cần có sự xem xét cẩn trọng từ nhiều yếu tố và cơ sở khác nhau[16].

    Dưới góc độ văn bản pháp luật và thực tiễn xét xử, có thể nhận thấy rằng, liên quan đến người được cấp dưỡng, mức cấp dưỡng chủ yếu được xác định dựa trên nhu cầu thiết yếu của người này. Tuy vậy, việc giới hạn mức cấp dưỡng trong phạm vi những nhu cầu thiết yếu trong một số trường hợp là chưa thực sự hợp lý. Khi xét đến mức cấp dưỡng cho người con, pháp luật Hoa Kỳ luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đến hoàn cảnh về mọi mặt của người con. Theo đó, các yếu tố được chú trọng bao gồm: nguồn tài chính của con, mức sống mà người con có thể được hưởng nếu cha mẹ không ly hôn, điều kiện về thể chất, tinh thần và những nhu cầu về giáo dục của trẻ[17]. Điều này cho thấy việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ luôn hướng đến sự ổn định trong đời sống của con. Nói cách khác, pháp luật hỗ trợ tối đa để quyền lợi của trẻ không thay đổi trong hoàn cảnh được nuôi dưỡng hay cấp dưỡng. Nhu cầu thiết yếu lúc này chỉ được xem xét như là một trong những yếu tố để xác định điều kiện sống của trẻ.

    Thứ hai, mức cấp dưỡng được xác định trên khả năng tài chính của cha mẹ. Khả năng tài chính của cha mẹ có thể được đánh giá thông qua giá trị tài sản mà cha, mẹ sở hữu, nguồn thu nhập cũng như những nghĩa vụ tài sản mà cha, mẹ phải thực hiện. Trong đó, việc xác định nguồn thu nhập của cha mẹ không phải là điều đơn giản. Khái niệm “thu nhập” được hiểu rất khác biệt đối với từng ngành luật khác nhau[18]. Thu nhập được xác định để tính mức cấp dưỡng nên là những nguồn thu có tính ổn định. Điều này xuất phát từ tính chất quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con. Thông thường, mức cấp dưỡng được định sẵn trong một khoảng thời gian dài, những khoản thu nhập tăng hoặc giảm có tính “đột biến” chỉ nên được xác định để yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng. Việc thực hiện nghĩa vụ này cần được diễn ra một cách ổn định để không tạo nên biến động lớn trong đời sống của con được cấp dưỡng.

    Vấn đề đặt ra ở đây là ngoài những nguồn thu xuất phát từ hoạt động sản xuất, kinh doanh…, các khoản tiền trợ cấp của cha, mẹ có được xác định là thu nhập để cấp dưỡng hay không. Nếu nguồn thu duy nhất của cha, mẹ là trợ cấp liên quan đến người có công với cách mạng hay các khoản trợ cấp khác thì liệu rằng chúng ta có nên “chia sẻ” một phần số tiền này để cấp dưỡng cho con? Pháp luật HNGĐ vẫn chưa nêu ra quy định cụ thể cho vấn đề này[19].

    “Đôi khi các Toà án băn khoăn rằng việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có được phép yêu cầu sử dụng đến cả những khoản trợ cấp tàn tật hay không. Vào năm 1987, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã tuyên bố trong án lệ Rose v Rose[20] rằng: pháp luật Liên bang không cản trở việc giữ lại một phần tiền trợ cấp thương tật của cựu chiến binh để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (cho dù pháp luật thành văn đã quy định rằng khoản tiền này không là đối tượng của việc tịch thu hoặc là bất cứ dạng thức nào khác của việc chiếm đoạt)”[21]. Để xác định các khoản thu nhập được sử dụng vì mục đích cấp dưỡng con, pháp luật cũng như án lệ đã cố gắng cụ thể hoá những khoản thu này như: trợ cấp thôi việc, trợ cấp tàn tật, tiền bồi thường thiệt hại thương tật, lương hưu, tài sản chắc chắn được tặng cho, tiền cho vay, tiền thừa kế, cũng như những khoản phúc lợi xã hội khác[22].

    Việc sử dụng các khoản thu nhập của cha mẹ để xác định mức cấp dưỡng cho con là điều hợp lý. Quan hệ cấp dưỡng cần hướng đến sự hỗ trợ tốt nhất có thể giữa cha, mẹ đối với con. Mặc dù thu nhập trước hết phải được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cha, mẹ. Các khoản tiền trợ cấp của cha, mẹ vẫn có thể được sử dụng để cấp dưỡng cho con nếu các nhu cầu thiết yếu của cha, mẹ đã được đáp ứng[23].

    Như đã phân tích trước đó, việc xác định mức cấp dưỡng thường được xác định dựa trên nhu cầu chính đáng của con và khả năng cấp dưỡng của cha, mẹ. Trên thực tế, Toà án thường căn cứ vào mức lương cơ bản để xác định mức cấp dưỡng cụ thể. Trong một vụ việc, Toà án đã từng tuyên “án sơ thẩm tuyên buộc ông H chịu mức cấp dưỡng nuôi con là 365.000 đồng/tháng, vào thời điểm tháng 3/2011 lương cơ bản là 730.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử phúc thẩm thì lương cơ bản là 830.000 đồng/tháng. Nên cần điều chỉnh lại mức cấp dưỡng tại thời điểm xét xử phúc thẩm là 415.000 đồng/tháng…”[24].

    Như vậy, Toà án đã căn cứ vào mức lương cơ bản để xác định mức cấp dưỡng cho con, với mức cấp dưỡng bằng ½ mức lương cơ bản. Mức cấp dưỡng này là khá thấp, không đủ để đảm bảo quyền lợi của trẻ. Nhưng có một lưu ý là bên cạnh quyền được cấp dưỡng, con còn được bên cha, mẹ còn lại trực tiếp nuôi dưỡng - và vì thế, trách nhiệm chăm sóc và hỗ trợ để con phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần được cha, mẹ cùng nhau san sẻ thực hiện.

    Pháp luật các bang ở Hoa Kỳ thường quy định mức cấp dưỡng tối thiểu. Tuy vậy, con vẫn được cấp dưỡng trong khả năng chi trả của cha, mẹ. Vấn đề đặt ra là thế nào là “giới hạn thích hợp” khi cha mẹ không phải lúc nào cũng có một khoản thu nhập lớn. Các bang thường áp dụng một trong ba cách sau: xác định mức cấp dưỡng dựa trên thu nhập cao hơn của bên cha hoặc mẹ[25]; đưa ra mức cấp dưỡng cao nhất dựa trên những nhu cầu đặc biệt và mức sống của người con trước khi cha mẹ ly hôn[26]; trong một số trường hợp, Toà án không áp dụng nguyên tắc mà tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể để giải quyết[27]. Các nguyên tắc trên được áp dụng cho cả trường hợp cha, mẹ ly hôn, cũng như trường hợp cha, mẹ chưa từng tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Có thể thấy rằng, pháp luật Hoa Kỳ vừa đặt ra những giới hạn nhất định cho việc cấp dưỡng, nhưng đồng thời, mức cấp dưỡng cụ thể cũng là sự vận dụng quy định một cách rất linh hoạt của Toà án. Điều này là vô cùng cần thiết để quyền lợi của con và cha, mẹ tồn tại một cách hài hoà trong quan hệ cấp dưỡng.

    Tương tự như vậy, chúng tôi cho rằng, pháp luật Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể hơn về mức cấp dưỡng tối thiểu. Theo cách thức mà rất nhiều Toà án đã đưa ra, mức cấp dưỡng có thể được tính theo mức lương cơ sở theo từng thời điểm khác nhau. Trong hoàn cảnh các nhu cầu cần được đáp ứng ngày càng mở rộng, mức cấp dưỡng không nên thấp hơn ¾ mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mặc dù bên cấp dưỡng hay bên trực tiếp nuôi dưỡng đều có nghĩa vụ đóng góp tài sản để nuôi dạy con, tuy vậy, mức cấp dưỡng bằng ½ mức lương cơ sở như trong nhiều trường hợp là chưa thực sự đảm bảo quyền lợi của con[28]. Hơn nữa, bên trực tiếp nuôi dưỡng con cần được san sẻ bớt gánh nặng về mặt tài chính trong việc nuôi dạy con.

    7. Chấm dứt việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

    Theo Điều 118 Luật HNGĐ 2014, quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con chấm dứt khi thuộc một trong các trường sau: (i) con đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; (ii) con đã được nhận làm con nuôi; (iii) con được bên cha mẹ cấp dưỡng trực tiếp nuôi dưỡng; (iv) một trong hai bên chết. Theo logic được thể hiện bởi Luật HNGĐ: cha mẹ chỉ có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng nếu con chưa thành niên. Khi người con đã thành niên, có khả năng lao động thì quyền và nghĩa vụ này sẽ tự động chấm dứt. Điều này đã dẫn đến một kết quả ngầm định rằng: khi người con đủ 18 tuổi và có khả năng lao động thì quan hệ cấp dưỡng sẽ chấm dứt.

    Thực tiễn xét xử ở Việt Nam cho thấy, một số Toà án buộc người không trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi con trưởng thành. “Các thẩm phán của các Toà án này cho rằng, hiện nay nhiều trường hợp dù con đã thành niên nhưng đang theo học ở các trường chuyên nghiệp (trung cấp, cao đẳng, đại học) thì cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi con ăn học, nên khi ly hôn cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”[29]. Ngoài những trường hợp này, phần lớn phán quyết của Toà án vẫn bám sát quy định của pháp luật và định rõ việc cấp dưỡng được thực hiện đến khi con đủ 18 tuổi.

    Có thể thấy rằng, độ tuổi chính là thước đo để đánh giá một cách khách quan về mức độ phát triển và hoàn thiện về thể chất cũng như khả năng nhận thức của một người. Thông thường, người đủ 18 tuổi có khả năng lao động để tạo ra của cải nuôi sống bản thân. Đây cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và khả năng duy trì cuộc sống độc lập của một cá nhân. Mặc dù vậy, việc có khả năng lao động và việc tham gia vào những hoạt động nghề nghiệp cụ thể trên thực tế là hai vấn đề khác biệt. Quan hệ cấp dưỡng giữa cha mẹ đối với con vì thế không nên là sự đánh giá đơn thuần dựa trên độ tuổi. Ở Hoa Kỳ, trong quá khứ việc cấp dưỡng có sự phân biệt độ tuổi trưởng thành giữa nam và nữ. Tuy nhiên, sau khi án lệ Stanton v Stanton (năm 1975) ra đời, Toà án tối cao đã thống nhất quan điểm rằng, sự phân biệt dựa trên giới tính như vậy là không đảm nguyên tắc đối xử công bằng do Hiến pháp đặt ra[30]. Nghĩa vụ cấp dưỡng được xem xét một cách linh hoạt tuỳ từng hoàn cảnh và mức độ trưởng thành của người con. Cũng vì vậy, cha mẹ có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng khi người con chưa thành niên đã kết hôn, tham gia phục vụ quân đội hoặc đã được thừa nhận có năng lực hành vi dân sự đầy đủ bằng những cách thức khác[31]. Ngược lại, nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn có thể được đặt ra ngay cả khi con đủ 18 tuổi. Học tập được xem là một nhu cầu chính đáng của người con cần được cha, mẹ hỗ trợ mặc dù con đã đủ tuổi thành niên. Trong một vụ việc cụ thể, Toà án Colorado đã buộc người cha cấp dưỡng cho con gái đã 21 tuổi vì người này vẫn đang tham gia học tập năm thứ ba tại trường đại học[32]. Hướng xét xử như trên cũng được ghi nhận một cách khá rộng rãi tại các bang khác.

    Theo chúng tôi, quan hệ cấp dưỡng được thực hiện với mục đích tạo sự hỗ trợ tốt nhất có thể đối với quá trình phát triển của người con (ngay cả khi người này đã thành niên). Tuỳ thuộc vào mỗi giai đoạn mà việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản của cha mẹ lại thể hiện một ý nghĩa nhất định. Khi chưa thành niên, việc đáp ứng các nhu cầu vật chất của con phụ thuộc phần lớn vào cha mẹ. Qua thời gian, những ràng buộc này có xu hướng giảm dần. Tuy vậy, sự quan tâm và hỗ trợ từ phía cha mẹ vẫn vô cùng cần thiết. Khi con đủ 18 tuổi, nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn nên được đặt ra nếu cha mẹ có khả năng và người con có lý do hoàn toàn chính đáng cho yêu cầu này. Lúc này mức cấp dưỡng cần được xác định lại để việc cấp dưỡng vẫn thể hiện sự hỗ trợ của cha, mẹ giúp cuộc sống của con thuận lợi. Mặt khác, người con vẫn có trách nhiệm chính trong việc chủ động tổ chức, duy trì và phát triển cuộc sống của mình. Vì thế, việc người con trên 18 tuổi, đang tham gia chương trình đào tạo toàn thời gian vẫn được cha mẹ cấp dưỡng là điều hợp lý. Trách nhiệm của cha mẹ không chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng con khôn lớn và hoàn thiện về mặt thể chất. Sự gắn kết đặc biệt của mối quan hệ này đòi hỏi cha mẹ - trong khả năng có thể, tạo điều kiện thuận lợi để con có thể xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.

    Có thể nhận thấy rằng, điều kiện cấp dưỡng giữa cha mẹ và con là một trong những nội dung cần được điều chỉnh cụ thể. Trong đó, việc xem xét quyền lợi của người con cần có sự nhìn nhận một cách linh động và toàn diện. Điều này không thể được thực hiện mà không có sự đánh giá nhu cầu thiết yếu của trẻ trên thực tế. Tuy vậy, để đảm bảo lợi ích của con và hướng mối quan hệ cấp dưỡng thực sự tạo sự hỗ trợ để con có đủ điều kiện phát triển một cách toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, việc xem xét nhu cầu của người con trong nhiều trường hợp không nên chỉ bị bó hẹp trong những nhu cầu thiết yếu hoặc các điều kiện về độ tuổi một cách đơn thuần. Điều này được thực hiện trên nền tảng mối quan hệ thân thiết và gắn kết giữa cha mẹ và con. Sự hỗ trợ và giúp đỡ trong hoàn cảnh này là hoàn toàn phù hợp với bản chất mối quan hệ cha mẹ, con. Mặc dù vậy, việc bảo về quyền lợi của con cũng cần được đặt trong một tổng thể hài hoà với lợi ích và khả năng thực tế của cha mẹ./.

    Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến pháp luật hôn nhân gia đình về nghĩa vụ cấp dưỡng, liên hệ hotline: 0902124138

    ĐẢM NHIỆM

    LUẬT SƯ VĂN MINH