Hành vi đe dọa giết người, cố ý phá hoại tài sản có bị phạt tù? Mức phạt tù với hành vi dọa giết?

Ngày đăng: 17/01/2021 12:12 PM

    Câu hỏi:

    Vào lúc 22h ngày 18/7/2019, trưởng thôn tay cầm búa rìu vào nhà ba mẹ em đòi chém ba mẹ em. Lúc đó em không có ba em ở nhà, chỉ có mẹ ở nhà. Trưởng thôn tìm ba em nhưng không thấy nên đứng chửi rủa. Một lúc sau thì người dân kéo đến. Tiếp đó anh ta xông vào nhà và tay vẫn cầm búa.

    Khi vào nhà tìm ba em lần 2 nhưng không thấy thì anh ta túm cổ mẹ em ấn xuống giường và hỏi: thằng Kha ( ba em) ơ đâu? mày giấu nó ở đâu?. Mẹ em nói: ông Kha không có ở nhà, mầy thích thì mầ chém tao đây. anh ta thả mẹ ra, sau đó lấy búa chém vào bức tường phía trước nhà làm thủng 1 lỗ và chém cửa bếp làm cho cửa bếp gãy làm đôi. Lúc này mọi người xung quanh lôi anh ta ra ngoiaf đường. 

    Nhờ Luật sư tư vấn cho em đối ới hành vi trên?

    Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Văn Phòng Luật Sư Văn Minh . Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

    Trả lời:

    Căn cứ quy định của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017; Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và Các văn bản pháp luật khác liên quan:

    Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội cố ý phá hoại tài sản của người khác như sau:

    Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

    1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

    b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    đ) Tài sản là di vật, cổ vật….”

    Trong đó hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác thể hiện thông qua hành động (đập, phá, đốt,…) hoặc không hành động (như bắt buộc bảo dưỡng máy móc, thiết bị theo định kỳ nhưng không thực hiện dẫn tới máy móc không còn khả năng sử dụng,…). Hành vi hủy hoại này được thực hiện bằng các phương tiện hoặc công cụ khác nhau như dùng búa để đập, dùng hóa chất để hủy hoại,…. Hậu quả xảy ra là yếu tố bắt buộc để cấu hành tội hủy hoại tài sản này. Tội phạm được coi là hoàn thành khi có hậu quả làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 02 triệu đồng trở lên; hoặc tài sản trị giá dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự trích dẫn ở trên. Hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản cũng là hành vi cố ý làm mất đi giá trị sử dụng của tài sản. Sự khác nhau giữa hai hành vi này chỉ là mức độ giá trị sử dụng của tài sản bị mất đi hoặc bị giảm sút.

    Mặt chủ quan của tội phạm này là được thực hiện do lỗi cố ý (trực tiếp hoặc gián tiếp). Người phạm tội biết hành vi của mình có khả năng hủy hoại, hoặc làm hư hỏng tài sản những đã thực hiện hành vi đó với mong muốn tài sản bị hủy hoại hay bị hư hỏng. Động cơ phạm tội không phải dấu hiệu bắt buộc mà chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt.

    Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

    Theo thông tin Quý khách cung cấp, ông trưởng thôn đã có hành vi cầm búa rừu chém và bức vách phía trước nhà làm thủng một lỗ, chém cửa bếp làm cho cửa bếp gãy làm đôi. Hành vi này có dấu hiệu cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Nên tùy mức độ vi phạm, mức độ hư hỏng của tài sản mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên. Trường hợp giá trị tài sản bị thiệt hại chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ:

    Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;…

    4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ;..”

    Về tội đe dọa giết người được quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự như sau:

    Điều 133. Tội đe dọa giết người

    1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Đối với 02 người trở lên;

    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

    d) Đối với người dưới 16 tuổi;

    đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

    Hành vi đe dọa giết người thể hiện bằng lời nói, hành động như tuyên bố bằng lời, viết thư,… hoặc đe dọa bằng dao, gậy,… Hành vi này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người bị đe dọa. Hành vi này phải làm cho người bị đe dọa tin rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết họ, nên lo lắng, sợ sệt. Nếu hành vi chuẩn bị, sử dụng các công cụ, phương tiện để trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bị đe dọa biết nhưng kể cả không có ý định tước bỏ quyền sống của người bị đe dọa thì người này vẫn phải chịu trách nhiệm về tội đe dọa giết người. Nếu người phạm tội có hành vi đe dọa giết người nhưng hành vi đó chỉ nhằm thực hiện mục đích khác thì không phạm tội đe dọa giết người. Ví dụ ông trưởng thôn đe dọa giết người nếu không trả tiền, không đưa tài sản, thì phạm tội cướp tài sản,…

    Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi nguy hiểm của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi này. Chủ thể của tội phạm là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

    Do chưa biết nguyên nhân mâu thuẫn giữa ông trưởng thôn và cha của Quý khách là gì nên nếu ông trưởng thôn có ý định muốn tước đoạt tính mạng của cha Quý khách mà không nhằm mục đích khác thì có thể phải chịu trách nhiệm về tội đe dọa giết người.

    Trường hợp này, Quý khách có quyền tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền về hành vi của ông trưởng thôn. Thẩm quyền giải quyết đơn tố giác, tin báo tội phạm là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân nơi xảy ra hành vi phạm tội.

    Cảm ơn bạn đã đến với Luật Sư Văn Minh. Mọi chi tiết xin liên hệ qua Hotline: 0902124138