CÓ ĐƯỢC HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG KHI SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP?

Ngày đăng: 15/01/2021 08:47 AM

    CÂU HỎI:

    Xí nghiệp cơ khí A bị thua lỗ nên Công ty cổ phần xây dựng của tôi dự định sáp nhập để cơ cấu thêm ngành nghề cho công ty. Tuy nhiên, xí nghiệp A còn số thuế GTGT chưa khấu trừ hết, công ty không xin hoàn thuế mà đề nghị chuyển phần thuế này sang công ty nhận sáp nhập để bù trừ với thuế GTGT phát sinh từ hoạt động kinh doanh của xí nghiệp. Tôi xin hỏi không biết việc làm của xí nghiệp A có ảnh hưởng gì đến việc quyết toán thuế của Công ty tôi sau khi sáp nhập không và tôi sẽ thực hiện như thế nào cho phù hợp với quy định pháp luật?

    Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Văn Phòng Luật Sư Văn Minh . Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

    Trả lời:

     

    1. Về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp:

     Tại Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 về sáp nhập doanh nghiệp quy định “một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.”

    Theo khoản 2 điều 68 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định “Doanh nghiệp bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi tách, hợp nhất, sáp nhập; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp bị tách và doanh nghiệp được tách, doanh nghiệp hợp nhất, doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

    Do vậy xí nghiệp A có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp; nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.

    Bên cạnh đó, khoản 3.5 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn về các trường hợp hoàn thuế GTGT đầu vào “ Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.”

    Như vậy, căn cứ vào những quy định trên, khi xí nghiệp A phát sinh hoạt động hợp nhất, đơn vị sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, trường hợp đơn vị không xin hoàn thuế mà đề nghị chuyển phần thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết này sang doanh nghiệp nhận sáp nhập để bù trừ với thuế GTGT phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhận sáp nhập, thì được khấu trừ số thuế GTGT tương ứng với phần tài sản và hoạt động kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp mới.

    1. Về việc đăng ký thuế trong trường hợp sát nhập:

    Tại Khoản 3 Điều 22 Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế trong trường hợp sáp nhập:

    “3. Sáp nhập tổ chức kinh tế

    Tổ chức kinh tế nhận sáp nhập sẽ giữ nguyên mã số thuế. Các tổ chức kinh tế bị sáp nhập sẽ bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

    a) Tổ chức kinh tế bị sáp nhập:

    Khi có Hợp đồng sáp nhập và văn bản tương đương, các tổ chức kinh tế bị sáp nhập phải thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan thuế theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 Thông tư này.

    Căn cứ hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của tổ chức kinh tế bị sáp nhập, cơ quan thuế thực hiện thủ tục và trình tự để chấm dứt hiệu lực mã số thuế của tổ chức kinh tế bị sáp nhập theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.

    b) Tổ chức kinh tế nhận sáp nhập:

    Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy tờ tương đương khác, tổ chức kinh tế nhận sáp nhập phải làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế (trường hợp sáp nhập phát sinh thay đổi thông tin đăng ký thuế).” 

    Cảm ơn bạn đã đến với Văn Phòng Luật Sư Văn Minh. Mọi thắc mắc xin liên hệ qua Hotline: 0902124138